Temu: Khi Giá Rẻ Quá Trình Độ, Liệu Có Đáng Lo?

Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử ngày càng sôi động, sự xuất hiện của Temu đã tạo nên một làn sóng mới với mô hình kinh doanh tập trung vào giá cả cạnh tranh. Temu, một nền tảng mua sắm trực tuyến đến từ Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng nhờ những ưu đãi hấp dẫn và mức giá cực kỳ thấp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu mức giá rẻ đến bất ngờ này có thực sự đáng lo ngại? Có thể nói, Temu đã thành công trong việc tạo ra một sức hút mạnh mẽ bằng cách đáp ứng nhu cầu mua sắm tiết kiệm của người tiêu dùng. Nhưng đằng sau những con số giá cả hấp dẫn đó, liệu có những rủi ro tiềm ẩn mà người dùng cần phải cân nhắc?

Một trong những lo ngại lớn nhất khi nhắc đến Temu là chất lượng sản phẩm. Khi mức giá được đẩy xuống thấp đến mức khó tin, người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ về chất lượng của những mặt hàng này. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, để có thể bán hàng với mức giá rẻ như vậy, các nhà cung cấp có thể đã phải cắt giảm chi phí ở nhiều khâu, từ nguyên liệu sản xuất đến quy trình kiểm soát chất lượng. Điều này có thể dẫn đến những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, tiềm ẩn nguy cơ về an toàn và sức khỏe. Bên cạnh đó, chính sách bảo hành và dịch vụ hậu mãi của Temu cũng là vấn đề cần được đánh giá kỹ lưỡng. Trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, việc xây dựng niềm tin với khách hàng là yếu tố quyết định sự thành công lâu dài của một thương hiệu. Temu cần chứng minh rằng họ không chỉ mang đến giá cả hấp dẫn, mà còn cung cấp dịch vụ và sản phẩm xứng đáng với niềm tin của người tiêu dùng.

Nền tảng Temu gây sóng gió trên thị trường thương mại điện tử quốc tế

Nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Temu, thuộc sở hữu của công ty PDD Holdings, đã tạo ra một cú hích đáng kể khi ra mắt tại thị trường Mỹ vào tháng 9/2022. Với chiến lược giá rẻ và chính sách vận chuyển miễn phí, Temu nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và các đối thủ cạnh tranh.

Bằng cách tận dụng những lợi thế về giá cả, chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ và khả năng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, Temu đã ghi dấu ấn mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của các “ông lớn” trong ngành như Amazon và eBay. Tuy nhiên, sự bùng nổ của ứng dụng mua sắm trực tuyến này cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Mỹ đối mặt với thách thức từ chính sách miễn thuế nhập khẩu

Temu được cho là lợi dụng quy định miễn trừ tối thiểu (de minimis) trong chính sách nhập khẩu của Mỹ. Theo quy định này, hàng hóa có giá trị dưới 800 USD có thể được nhập khẩu mà không phải chịu thuế và ít bị kiểm tra hải quan hơn. Hầu hết các sản phẩm trên Temu có giá trị thấp, từ vài đến vài chục USD, do đó phần lớn không phải chịu thuế nhập khẩu.

Điều này giúp Temu duy trì giá sản phẩm thấp, cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán lẻ trong nước, vốn phải chịu nhiều loại thuế, phí và chi phí vận hành cao hơn. Tình trạng này gây ra lo ngại về cạnh tranh không công bằng.

Nhà Trắng đã tuyên bố rằng việc thực thi pháp luật, yêu cầu về sức khỏe và an toàn, quyền sở hữu trí tuệ, và quy tắc bảo vệ người tiêu dùng của Mỹ trở nên khó khăn hơn do các lô hàng de minimis. Chính phủ Mỹ có kế hoạch sử dụng quyền hành pháp để ngăn chặn việc lạm dụng miễn trừ tối thiểu, đồng thời kêu gọi Quốc hội thông qua luật cải cách de minimis trong năm nay, nhằm bảo vệ người tiêu dùng, người lao động và doanh nghiệp địa phương.

Chất lượng sản phẩm và an toàn người tiêu dùng cũng là vấn đề đáng quan tâm. Vào tháng 9, hai thành viên của Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) đã kêu gọi kiểm tra các biện pháp kiểm soát an toàn và tuân thủ của Temu và Shein, cũng như mối quan hệ của họ với người bán bên thứ ba và người tiêu dùng, và mọi tuyên bố họ đưa ra khi nhập khẩu sản phẩm.

Tháng 4/2023, Ủy ban Đánh giá An toàn và Kinh tế Mỹ – Trung (USCC) đã công bố báo cáo chi tiết về các vấn đề mà các ứng dụng Trung Quốc như Temu và Shein đặt ra, bao gồm khai thác lỗ hổng thương mại, quy trình sản xuất, an toàn sản phẩm, sử dụng lao động cưỡng bức, và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Châu Á hành động quyết liệt nhằm đối phó với Temu

Tại Hàn Quốc, chính phủ đã mở cuộc điều tra về các hoạt động thu thập và sử dụng dữ liệu của Temu và AliExpress vào tháng 4. Ông Ko Hak-soo, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân, bày tỏ lo ngại về quy định quyền riêng tư tại Trung Quốc và việc bảo vệ dữ liệu có được thực hiện đầy đủ hay không.

Ủy ban đã gửi câu hỏi chi tiết đến Temu để xem xét kỹ lưỡng các chính sách xử lý dữ liệu và xác định liệu dữ liệu thu thập có được quản lý tại Trung Quốc hay chuyển sang nước khác. Temu, với khoảng 8 triệu người dùng, đã trở thành một trong những ứng dụng mua sắm phổ biến nhất tại Hàn Quốc sau khi ra mắt vào tháng 7/2023.

Indonesia, trong khi đó, đã quyết định cấm hoàn toàn Temu để bảo vệ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong nước. Chính phủ lo ngại rằng các sản phẩm giá rẻ từ Temu sẽ gây tổn hại cho MSME, làm giảm tính cạnh tranh và phá vỡ thị trường.

Isy Karim, quan chức Bộ Thương mại Indonesia, cho rằng mô hình kinh doanh của Temu đi ngược lại với quy định thương mại đòi hỏi có người trung gian hoặc nhà phân phối. Theo trang iNews, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Budi Arie Setiadi tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không cho Temu cơ hội”, vì cho phép Temu gia nhập thị trường sẽ làm tổn hại kinh tế và xã hội.

Bộ TT&TT Indonesia còn yêu cầu Apple và Google chặn Temu trên các chợ ứng dụng để người dân không thể tải được. Bộ cũng sẽ ngăn chặn việc Temu đầu tư vào các công ty TMĐT địa phương. Theo Bộ Hợp tác xã và SME, Temu đã 3 lần thử đăng ký hoạt động tại Indonesia nhưng bất thành.

Hàn Quốc và Indonesia đều có chung quan điểm rằng Temu, với mô hình giá rẻ và bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, có thể gây ra tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và người tiêu dùng nội địa.